Máy bay vận tải hạng nhẹ C-295M của Không quân Việt Nam |
Hiện tại, đảm trách vai trò “Ngựa thồ đường không” vận chuyển binh lính cũng như hàng hóa cho Quân đội Nhân dân Việt Nam là các máy bay vận tải An-26, C-295M và trực thăng thuộc họ Mi-8/17.
Do An-26 đã quá cũ, thời gian phục vụ không còn nhiều nên chúng đã được lên kế hoạch để thay thế toàn bộ bằng C-295M. Các trực thăng Mi-8/17 mặc dù tồn tại nhược điểm là kém linh hoạt nhưng vẫn có thể sử dụng cho vai trò đổ quân.
Vì vậy khoảng trống cần lấp đầy lúc này của Bộ đội Đổ bộ đường không Việt Nam chính là vận tải cơ hạng trung cũng như trực thăng hạng nặng, nhằm phục vụ các cuộc chuyển quân lớn trong thời gian ngắn.
Trong số ứng viên tiềm năng, C-130J Super Hercules cùng CH-47F Chinook do Mỹ sản xuất đang được nhắc đến như sự lựa chọn hàng đầu, bởi vì đây là những loại duy nhất đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Việt Nam.
Nga cũng đã thừa nhận sẽ rất khó cạnh tranh với Mỹ do họ không có sản phẩm tương đương, khi Il-76 thì vượt quá nhu cầu còn Mi-26 lại tỏ ra nặng nề, không thực sự phù hợp để hoạt động ở địa hình nhiều đồi núi như CH-47.
“Chim ưng biển” V-22 Osprey |
Căn cứ vào thông tin trên, ngoài CH-47F, nhiều khả năng V-22 Osprey cũng đã lọt vào tầm ngắm của Việt Nam. Theo nhà sản xuất, V-22 Osprey rất thích hợp để trang bị cho Thủy quân Lục chiến.
V-22 Osprey được coi là hình mẫu của máy bay đổ bộ tương lai, nó được trang bị 2 động cơ cánh quạt có thể xoay 90 độ, thời gian điều chỉnh góc chỉ mất 90 giây ngay cả khi sức gió gần 100 km/h, giúp cất cánh thẳng đứng như trực thăng đồng thời bay hành trình được như một phi cơ cánh quạt thông thường.
“Chim ưng biển” chuyên chở được 24 binh sĩ cùng hơn 9 tấn hàng hóa, tốc độ chiến đấu đạt tới 443 km/h (nhanh gấp đôi trực thăng thông thường), kết hợp với tầm hoạt động 690 km khiến nó trở nên cực kỳ phù hợp cho cả nhiệm vụ quân sự lẫn cứu trợ nhân đạo.
MV-22 được triển khai trong hoạt động cứu trợ nạn nhân bão Haiyan tại Philippines năm 2013 |
Tuy nhiên để sở hữu chiếc máy bay vận tải tối tân trên, chúng ta cũng phải vượt qua những rào cản không hề nhỏ.
Đầu tiên là đơn giá rất cao, lên tới 130 triệu USD, đắt hơn cả C-130J (110 triệu USD) trong khi năng lực vận chuyển thì thua xa và ngân sách quốc phòng của Việt Nam vẫn còn hạn hẹp.
Tiếp theo, đây là một phi cơ có chi phí vận hành rất đắt đỏ, quá phức tạp để tự chủ công tác đảm bảo kỹ thuật, hơn nữa vẫn còn không ít băn khoăn về độ an toàn của Osprey.
Vì vậy, trước mắt Việt Nam chỉ nên tập trung đầu tư mua sắm những loại thiết yếu như C-130J hay CH-47F để hình thành bộ khung hoàn chỉnh cho Lực lượng Đổ bộ đường không. Phương tiện có tính đặc thù cao như V-22 Osprey sẽ được xem xét vào tương lai xa.
(NguyenThiKimNgan)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét