Pháo tự hành 105mm nâng cấp của Việt Nam.
Pháo binh Việt Nam sẽ tiếp nhận một loạt vũ khí trang bị mới, trong đó có pháo tự hành cỡ nòng 152mm lớn nhất và pháo 130mm bắn xa nhất.
Những dự định lớn và thành công bước đầu
  Trong những năm qua, Lục quân Việt Nam đã gặt hái được khá nhiều thành công trong tiến trình hiện đại hóa. Nhiều dự án nâng cấp các loại pháo hiện có trong biên chế, biến chúng thành những loại hỏa lực tự hành, cơ động nhanh có tầm bắn xa hơn, độ chính xác lớn hơn đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng tại các đơn vị.
  Trong đó, thành công nhất phải kể đến dự án nâng cấp pháo 105mm đặt lên khung gầm xe cơ sở Ural-375D; dự án nâng cấp pháo ZU-23-2 cỡ nòng 23mm có khả năng đánh đêm đặt trên khung gầm xe cơ sở Zil-131 và dự án nâng cấp pháo ZU-23-2 cỡ nòng 23mm đặt trên khung gầm xe cơ sở Kamaz-43118.
Đồng thời, chính Dự án “”Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe cơ sở để lắp đặt tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tầm thấp” do Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (KTCGQS) thuộc Tổng cục Kỹ thuật hoàn thành, xác định xe tải việt dã 3 cầu chủ động thế hệ mới Kamaz-43118 là xe khung gầm cơ sở tiêu chuẩn cho các loại pháo nâng cấp của Việt Nam.
  Các loại pháo phòng không, pháo mặt đất 105, 122, 130, 152mm hiện có trong biên chế Lục quân Việt Nam sẽ được tích hợp các hệ thống hiện đại với xe Kamaz-43118 thành những tổ hợp pháo tự hành hoàn chỉnh, có khả năng cơ động nhanh, nâng cao độ chính xác khi thực hành bắn.
  Hướng đi nào khi nâng cấp pháo D-20?
  Nếu như pháo xe kéo nòng dài M-46 cỡ nòng 130mm được nâng cấp sẽ biến thành loại hỏa lực di động có tầm bắn xa nhất của Lục quân Việt Nam (không kể pháo phản lực) thì D-20 152mm nâng cấp sẽ là pháo xe kéo mặt đất cỡ nòng lớn nhất được hiện đại hóa.
  Mặc dù có trọng lượng khoảng 5,7 tấn, nhẹ hơn đáng kể so với pháo M-46 (khoảng 8,5 tấn), nhưng pháo D-20 có một số nhược điểm như khá nặng nề, triển khai và thu hồi tại trận địa dã chiến mất khá nhiều thời gian.
Pháo xe kéo D-20 cỡ nòng 152mm của Lục quân
Việt Nam. Ảnh: Bình Nguyên.
  Trong chiến tranh hiện đại, khi mà khả năng phản pháo của đối phương được nâng cao đáng kể nhờ các phương tiện trinh sát tối tân như radar định vị, vệ tinh và máy bay không người lái trinh sát ngày đêm. Sau khi khai hỏa, chỉ cần chậm một chút, không cơ động ngay ra khỏi trận địa cũ, rất có thể cả đơn vị sẽ phải chịu tổn thất bởi các loại hỏa lực trên không, trên bộ của đối phương bắn trả.
  Được hiện đại hóa, nâng cao khả năng tự hành, cơ động nhanh, pháo D-20 sẽ trở nên hoàn hảo hơn rất nhiều, khai thác triệt để được khả năng bắn nhanh 5-6 phát/phút hoặc tới 65 phát/giờ, cung cấp màn đạn uy lực lớn, tầm xa, đập nát các khu vực trú đóng, phòng ngự kiên cố của đối phương.
  Nếu được trang bị thêm các hệ thống định vị, tính toán phần tử bắn hiện đại, các xe pháo tự hành có thể bố trí cách xa nhau thay vì sát cạnh, vừa giảm xác suất tổn thất khi bị phản pháo hoặc không quân địch đánh trúng, vừa đảm bảo vẫn bắn trúng cùng 1 mục tiêu.
  Đây chính là nghệ thuật “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” của Bộ đội pháo binh Việt Nam, xứng với truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.
  Việc nâng cấp, tự hành hóa và nâng cao sức cơ động, rút ngắn thời gian triển khai thu hồi pháo D-20 là một lựa chọn sáng suốt, nhất là khi loại pháo có cỡ nòng lớn nhất của Lục quân Việt Nam hiện nay đã được xác định sẽ còn sử dụng lâu dài, và công nghiệp quốc phòng nước ta đã sản xuất đạn, đảm bảo nhu cầu sẵn sàng chiến đấu ở quy mô lớn.
  Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia nâng cấp thành công loại pháo D-20, trong đó điển hình là Serbia. Phiên bản pháo xe kéo M-84 (cỡ 152mm, một biến thể của D-20, nhưng nòng dài hơn) của họ sử dụng khung gầm xe tải việt dã 4 cầu chủ động (cấu hình 8×8) nâng cấp thành pháo tự hành Nora B-52 được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá rất cao và đã đưa vào sản xuất hàng loạt.
  Tuy nhiên, giải pháp nâng cấp của Serbia quá toàn diện khi thiết kế hẳn một tháp pháo kín hoàn chỉnh, có khả năng bảo vệ kíp pháo thủ trước các loại hỏa lực bắn thẳng cỡ nhỏ và mảnh đạn pháo, bom. Trong khi với điều kiện của Việt Nam, nếu nâng cấp theo hướng này sẽ khá tốn kém.
  Do vậy, ta có thể lựa chọn phương án đơn giản hơn, không nhất thiết phải làm tháp pháo kín, giúp tiết kiệm chi phí và tổng trọng lượng xe nhẹ hơn, tận dụng tối đa tính năng việt dã của khung gầm xe cơ sở, nâng cao khả năng cơ động mà vẫn đảm bảo được tầm bắn tới 24km, tốc độ khai hỏa 5-6 phát/phút.
(NguyenThiKimNgan)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top