Radar nhìn vòng chuyên bắt máy bay tàng hình
RV-02 do Việt Nam chế tạo
Ngày 26/05/2016, Quân chủng PK-KQ đã khai mạc huấn luyện hệ thống cảnh giới vùng trời tự động VQ1-M chuyển giao, bảo đảm kỹ thuật từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
  Được biết, toàn bộ các sư đoàn phòng không, học viện PK-KQ và một số trường và cơ quan Quân chủng PK-KQ đã cử cán bộ, kỹ thuật viên trực tiếp bảo đảm kỹ thuật, duy trì hoạt động cho các thiết bị Hệ thống VQ1-M tham dự khóa học.
  “Không để Tổ quốc bị bất ngờ từ các tình huống từ trên không” là yêu cầu cao nhất với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Phòng không – Không quân. Để làm được điều đó, trong những năm qua, Quân chủng được ưu tiên đầu tư trang bị nhiều vũ khí, trang bị thế hệ mới tiên tiến, đáp ứng được tiêu chí “tiến thẳng lên hiện đại”.
  Nhưng thật bất ngờ, trong số những loại vũ khí trang bị mới đưa vào biên chế có những thiết bị tối tân do công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong nước chế tạo và sản xuất.
  Điển hình là các hệ thống radar cảnh giới chuyên bắt máy bay tàng hình RV-01, RV-02; radar bắt thấp và radar cảnh giới tầm trung băng sóng mét “Made in Vietnam”.
  Đến nay, CNQP Việt Nam lại có một bước phát triển mới với Hệ thống cảnh giới vùng trời tự động VQ1-M do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chế tạo, ẩn chứa những điều đặc biệt thú vị mà ít người biết.
  Tiết kiệm gần 2.000 tỷ cho ngân sách
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
nghe giới thiệu về Hệ thống VQ1-M.
  Cách đây vài năm, nhằm hiện đại hóa hệ thống cảnh giới – quản lý vùng trời, Việt Nam sẵn sàng chi 100 triệu USD (tương đương 2.000 tỷ đồng) và yêu cầu đối tác chuyển giao công nghệ nhưng họ đã từ chối.
  Không cách nào khác, ta phải tự nghiên cứu, trách nhiệm ấy được giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel mà mũi nhọn chính là Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel. Bằng sự sáng tạo không ngừng, các nhà thiết kế Việt Nam đã đạt được những bươc tiến vượt bậc.
  Nhận thấy sắp bị vuột mất một khách hàng lớn, đối tác giảm giá xuống còn 60 triệu USD và chấp nhận chuyển giao công nghệ. Không đồng ý, Viettel vẫn tiến hành theo cách của mình khiến đối tác phải gật đầu với mọi điều kiện và giảm giá xuống còn 20 triệu USD.
  Tốc độ nghiên cứu, chế tạo nhanh kỷ lục
  Chỉ trong vòng 20 tháng, hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia tự động VQ1-M do Viettel chế tạo đã được hoàn thành, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch, một tiến độ vô tiền khoáng hậu.
  Việc đưa Hệ thống VQ1-M vào trang bị chiến đấu đánh dấu một bước phát triển mới của CNQP Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay của Quân chủng PK-KQ.
  Được tận mắt nhìn thấy hệ thống hoạt động mới hình dung hết được tính ưu việt của nó. Giao diện bằng tiếng Việt giúp kíp trực ban thao tác cực nhanh, chính xác, dễ dàng, xác suất sai sót, bỏ lọt hay hoang báo mục tiêu cực thấp.
Mọi hoạt động bay trên đất liền, trên biển
đều được Hệ thống VQ1-M tự động cập nhật
chính xác, kịp thời với giao diện tiếng Việt
rất tiện dụng.
  Mọi tham số mục tiêu, tình trạng hoạt động của các trạm radar, thậm chí từng đài radar đơn lẻ đều được tích hợp, gộp lại và hiển thị trên màn hình của Sở chỉ huy, giúp Quân chủng có đầy đủ thông tin để ra những mệnh lệnh chiến đấu đúng đắn, hiệu quả.
  Tất nhiên, ngay lập tức, những mục tiêu ấy chỉ bằng động thái nhẹ nhàng như nhấp chuột, được bàn giao cho các đơn vị hỏa lực từ cấp trung đoàn, sư đoàn và cấp quốc gia đang chờ sẵn để khai hỏa.
  Tự hào là quốc gia thứ 9 trên Thế giới tự chế tạo được hệ thống này
  Gần như đi lên từ con số 0, Viện nghiên cứu và phát triển Viettel đã làm được điều thần kỳ, dường như không tưởng, khi đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 9 trên thế giới tự chế tạo được hệ thống quản lý vùng trời tự động hiện đại như vậy.
  Đúng thế, chỉ riêng việc tích hợp và Việt hóa, đồng bộ mọi bộ dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như radar thụ động, chủ động, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị hỏa lực đáp ứng yêu cầu phát hiện sớm, tiêu diệt ngay và chính xác các mục tiêu bay ngay từ loạt đạn đầu khi chúng vừa xâm phạm vùng trời, là điều hết sức khó khăn.
  Trước Việt Nam, mới chỉ có 8 quốc gia có nền công nghệ và tiềm lực kinh tế đủ để nghiên cứu chế tạo thành công các tổ hợp có tính năng tương tự.
  Giữ bí mật công nghệ, không để phụ thuộc hay bị đối phương “bắt bài”
Hệ thống quản lý vùng trời tự động VQ1-M
đã chính thức được QC PK-KQ đưa vào sử dụng.
  Bất kỳ vũ khí trang bị gì phải nhập khẩu từ nước ngoài đều ẩn chứa sự phụ thuộc khi hỏng hóc hay nâng cấp và nhất là ảnh hưởng đến bí mật quân sự. Ta là chủ công nghệ thì hoàn toàn có thể cải tiến hoặc thiết lập các phương án chiến đấu hiệu quả, hiểm hóc và nhanh chóng tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.
  Thật tự hào khi Việt Nam có được những bước tiến vượt bậc, làm chủ công nghệ, nghiên cứu, chế tạo những vũ khí trang bị hiện đại, góp phần nâng cao sức mạnh phòng thủ, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.
  Hiện nay hệ thống đang được đưa vào chiến đấu thử nghiệm (từ tháng 4/2016), dự kiến trong tháng 6/2016 sẽ nghiệm thu, đưa vào trang bị quân sự để thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay.
(NguyenThiKimNgan.org)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top