Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫy tay chào
khán giả khi bước lên sân khấu đọc diễn văn
chia tay tại trung tâm hội nghị
McCormick Place, Chicago. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama tối 10/1 (sáng 11/1 giờ Hà Nội) có bài diễn văn chia tay, khép lại hành trình 8 năm dẫn dắt đất nước. Bài phát biểu được đánh giá là đong đầy cảm xúc, vừa như lời động viên, an ủi, vừa như lời kêu gọi đoàn kết gửi tới người dân trong bối cảnh quốc gia đang đứng trước tương lai với nhiều biến động về kinh tế, xã hội cũng như những mối đe dọa an ninh rình rập, theo AP.
  Ngập tràn cảm xúc
  Giới chuyên gia nhận định bài diễn văn tạm biệt tại thành phố Chicago, nơi ông Obama bắt đầu xây dựng sự nghiệp chính trị, không khác gì một lời bộc bạch, giãi bày của Tổng thống Mỹ về thách thức và thành tựu, về những lời hứa đã thực hiện và chưa, về tất cả những gì tạo nên dấu ấn Obama tại Nhà Trắng suốt 8 năm qua.
  Bàn về niềm tin đối với quốc gia, Tổng thống Obama cho biết ông có thể hoàn thành nhiệm kỳ một phần là nhờ được truyền cảm hứng từ "năng lực vô biên" của nước Mỹ đối với sự tái tạo. Ông đồng thời khẳng định: "Tương lai nằm trong tay chúng ta".
  Cây bút Josh Lederman và Darlene Superville từ AP đánh giá diễn văn chia tay mà Tổng thống Obama truyền đi chủ yếu mang âm hưởng mạnh mẽ song cũng có những giây phút đầy xúc động, đặc biệt là về cuối, khi ông rơi lệ, cảm ơn vợ con, Phó tổng thống Joe Biden và các nhân viên, đồng nghiệp.
  Lúc ông Obama gọi tên vợ "Michelle" bằng giọng đứt quãng, đám đông như vỡ òa, cả khán phòng vỗ tay vang dội.
  "Trong suốt 25 năm qua, em không chỉ là vợ tôi và mẹ của các con tôi mà còn là người bạn thân thiết nhất. Em đã nắm giữ vai trò mà em không hề đòi hỏi và thực hiện nó bằng sự duyên dáng, gai góc, phong cách và hài hước của riêng em", ông Obama chia sẻ về đệ nhất phu nhân Michelle rồi rút khăn tay, quệt nước mắt.
Ông Obama trong vòng tay người ủng hộ. Ảnh: Reuters
  Theo CNN, bài diễn văn chia tay đóng vai trò như một cột mốc kết thúc "lời tạm biệt" đã được ông Obama cùng đội ngũ chuẩn bị và thực hiện suốt nhiều tháng qua khi ông chủ Nhà Trắng liên tục xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn trên tạp chí, trò chuyện trên truyền hình để nỗ lực nêu bật những thành tựu đã đạt được cũng như sự thay đổi của nước Mỹ trong hai nhiệm kỳ ông làm tổng thống.
  Bình luận viên Daniel Dale từ trang tin Star nhận xét bài diễn văn tạm biệt của ông Obama không phải lời kêu gọi vũ trang mà là lời thúc giục đoàn kết. Tổng thống Mỹ thể hiện mong muốn người dân nói không với "sự chia rẽ" để cùng nắm tay hướng tới "một mục tiêu chung".
  "Dân chủ không đòi hỏi tính thống nhất", Tổng thống Obama nhấn mạnh. "Nhưng dân chủ đòi hỏi một sự đoàn kết nhất định".
  Ông đồng thời kêu gọi công chúng Mỹ nhìn vào "lòng tốt chứa chan bên trong người khác", kết nối với họ, thay vì chìm đắm trong "bong bóng" đảng phái, kỳ thị dân tộc, tôn giáo.
  Theo Dale, bài phát biểu chia tay đã tái hiện tương đối đầy đủ những thăng trầm ông Obama trải qua trong 12 năm đứng dưới ánh đèn sân khấu chính trị, kể từ thời điểm năm 2004 khi bài diễn văn khẳng định "không có nước Mỹ tự do hay nước Mỹ bảo thủ, chỉ có nước Mỹ" biến ông thành ngôi sao sáng.
  Theo trang Politicus USA, Obama không hề nhắc tới tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong diễn văn chia tay nhưng khi ông đề cập đến chuyện các công nhân Mỹ phải sát cánh cùng nhau, tất cả mọi người đều hiểu ông chủ Nhà Trắng đang muốn nhắc tới ai.
  "Chúng ta vẫn chưa ở vào đúng vị trí ta cần. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Sau tất cả, nếu mọi vấn đề kinh tế đều bị quy về như cuộc đấu tranh giữa tầng lớp trung lưu da trắng lao động miệt mài và cộng đồng thiểu số không xứng đáng thì người lao động thuộc mọi sắc tộc sẽ phải giành nhau từng miếng ăn, trong khi giới nhà giàu rút sâu thêm vào những ốc đảo của họ", Tổng thống Obama khẳng định. "Nếu chúng ta không muốn đầu tư vào con cái của người tị nạn chỉ vì họ không giống chúng ta, chúng ta sẽ tước bỏ sự thịnh vượng của chính con em mình, bởi những đứa trẻ da màu kia sẽ gánh vác một phần ngày càng lớn trong lực lượng nhân công Mỹ".
  Bình luận viên Jason Easley nhận định những ý tứ trên từ ông Obama rõ ràng đi ngược lại các tuyên bố mà nhà tài phiệt New York Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Ông Trump cam kết sẽ hạn chế người tị nạn nhập cư vào Mỹ và giành chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng nhờ chia rẽ tầng lớp công nhân. Tỷ phú Mỹ khiến những công nhân da trắng làm việc trong ngành sản xuất, khai khoáng và năng lượng cảm thấy họ phải đấu tranh cho sự tồn tại của bản thân.
  Tấm gương lớn
Giới quan sát cho rằng quang cảnh tại trung tâm hội nghị McCormick Place là minh chứng rõ nét nhất cho thấy tình yêu của người dân Mỹ dành cho Tổng thống Obama lớn thế nào.
  Gần 20.000 người đã tề tựu tại trung tâm hội nghị lớn nhất vùng Bắc Mỹ ở Chicago để nghe Tổng thống Obama nói lời tạm biệt và cũng là để chào ông lần cuối.
  Sheila Baldwin, một công dân Mỹ gốc Phi 64 tuổi, người có được tấm vé tham dự buổi đọc diễn văn chia tay của Tổng thống Obama hôm 7/1 sau khi đứng xếp hàng từ 5h sáng, cho biết bà "nhất định phải chứng kiến sự kiện lịch sử này" bởi theo Baldwin, việc nhìn thấy vị tổng thống Mỹ da màu đầu tiên hoàn thành hành trình của mình là điều vô cùng tuyệt vời.
  "Nếu có ai đủ khả năng hàn gắn và đoàn kết đất nước thì tôi nghĩ đó là Tổng thống Obama", bà nói.
  Suốt một tiếng trên sân khấu, ông Obama không ít lần khiến cả hội trường phải đứng lên vỗ tay hưởng ứng. "Ông Obama là tấm gương lớn nhất đối với tôi", Perla Magana, sinh viên đại học, 19 tuổi, có mặt tại sự kiện, chia sẻ. "Hình ảnh Obama gắn liền với hy vọng. Ông ấy thực sự biến Mỹ trở thành đất nước của nhân dân, bởi lần đầu tiên, rất nhiều người trong chúng tôi cảm thấy đây là nơi chúng tôi thuộc về".
Vũ Hoàng vnexpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top