Tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch của Mỹ
Việc chiếm đoạt sau đó trao trả tàu lặn của Mỹ cho thấy Trung Quốc đang lo ngại về nguy cơ khả năng phòng thủ hạt nhân trên biển ở Biển Đông thông qua hạm đội tàu ngầm hạt nhân đang dần bị hé lộ.
 Theo tờ Japan Times, lực lượng tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lâu nay được xem là trọng tâm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm lấp dần khoảng cách công nghệ với các cường quốc hạt nhân trên thế giới.
 Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh đang từng bước xây dựng một chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân quy mô lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, mức độ đáng tin của năng lực phòng thủ hạt nhân lại đang là thách thức với Trung Quốc.
 "Thực tế, giới chuyên gia cho rằng tốc độ phát triển nhanh của các hệ thống phòng thủ tên lửa, tấn công chính xác vũ khí truyền thống và trinh sát trên không cho phép Mỹ thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu và trở thành mối đe dọa lớn với lực lượng hạt nhân trên đất liền của Trung Quốc", nhà nghiên cứu Tong Zhao tại Trung tâm Chính sách toàn cầu thuộc Viện Carnegie-Tsinghua chia sẻ.
 Để đối phó với mối đe dọa này, Trung Quốc đã đầu tư nghiên cứu chương trình tàu ngầm hạt nhân cũng như xây dựng năng lực phản công hạt nhân đáng tin cậy trên Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới và giữ vị thế chiến lược với Bắc Kinh.
 Theo ông Zhao, Biển Đông là môi trường lý tưởng cho các tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động nhờ độ sâu và các yếu tố môi trường. Mặc dù, phía nam Biển Đông là vùng nước nông với độ sâu dưới 100 m song phần lớn khu vực này lại nằm trong khu vực nơi thềm lục địa tạo thành một lòng chảo sâu khoảng 4.000 m, một môi trường lý tưởng để các tàu ngầm hoạt động.
 "Trên thực tế, khi được triển khai từ khu vực bờ biển Trung Quốc, tàu ngầm hạt nhân mang theo tên lửa đạn đạo JL-2 chưa đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ. Do đó, các SSBN của Trung Quốc đang cải tiến khả năng tấn công 'chuỗi đảo thứ nhất' và xuyên Tây Thái Bình Dương", ông Zhao chia sẻ với tờ Japan Times.
 Hiện tại, Trung Quốc đang chiếm quyền kiểm soát trên diện tích 1.280 hectare nằm trên 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Lầu Năm Góc, cho rằng về lâu dài, Trung Quốc sẽ biến 7 hòn đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự.
 "Một số hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động hậu cần và bảo vệ an toàn cho các SSBN làm nhiệm vụ tuần tra. Nói cách khác, ngoài mục đích củng cố chủ quyền đơn phương trên Biển Đông, bảo vệ SSBN là một phần lý do Trung Quốc triển khai các dự án cải tạo ở đây", ông Zhao nói.
 Song trở ngại lớn nhất đối với Bắc Kinh chính là việc Biển Đông đang giữ vị thế chiến lược và kinh tế trên thế giới. Cụ thể, Biển Đông hiện là một trong những tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp nhất thế giới với nhiều quốc gia có đường bờ biển bao quanh, tạo ra nguy cơ xảy ra xung đột giữa hải quân các nước.
 Mỹ - Trung cùng tăng cường triển khai UUV
 Đối với Trung Quốc, sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Biển Đông cùng các hoạt động trinh thám là mối đe dọa lớn nhất đối với khả năng kiểm soát lãnh hải của Bắc Kinh. Đây có thể là lý do hôm 15/12, Trung Quốc chiếm đoạt tàu lặn tự hành (UUV) do tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch của Mỹ thả xuống khu vực cách cảng vịnh Subic hơn 80 km. Sau vài ngày tranh cãi căng thẳng, Trung Quốc đã trao trả UUV cho Mỹ hôm 20/12.
 Trên thực tế, trong những năm qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường các hoạt động trinh thám ở Biển Đông bao gồm việc sử dụng các UUV.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (bên phải) quan sát tàu khu trục USS Lassen trên Biển Đông.
 "Đây không phải là lần đầu tiên, Trung Quốc tịch thu tàu lặn của Mỹ trên Biển Đông nhưng thiết bị mà chúng tôi tịch thu hôm 15/12 là thiết bị mới và hiện đại hơn so với những thiết bị trước do đó khả năng nó chứa nhiều thông tin giá trị ở Biển Đông. Đây có thể là lý do khiến Mỹ vô cùng lo lắng và phóng đại vấn đề trước giới truyền thông thay vì im lặng như những lần trước", tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, ông Li Jie.
 Còn theo chuyên gia Zhao, Mỹ hiện "đặc biệt quan tâm tới việc sử dụng các công nghệ mới như tàu lặn tự hành để theo dõi và truy vết các SSBN của Trung Quốc. Nói cách khác, chính phủ Mỹ đã đầu tư tiền cho những dự án nghiên cứu làm thế nào để triển khai các UUV ngay gần căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc nhằm phát hiện hoạt động đi và về của các SSBN.
 Cụ thể, hồi tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Washington sẽ đầu tư hơn 8 tỷ USD trong năm 2017 để cải thiện năng lực dưới biển "nhằm giúp Mỹ duy trì vị thế số 1 thế giới về năng lực chống ngầm". Theo ông Carter, Mỹ sẽ sản xuất các tàu lặn mới đa dạng về kích cỡ và trọng tải mà điều quan trọng là hoạt động ở cả những vùng nước nông nơi tàu ngầm không thể hoạt động.
 Về phần mình, Trung Quốc cũng đã cho thử nghiệm tàu lặn tự hành Haiyi-7000 hồi tháng 9. Trong khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố tàu lặn G2 do công ty nghiên cứu Teledyne-Webb Slocum sản xuất mà Trung Quốc chiếm đoạt hôm 15/12 là thiết bị ứng dụng quân sự có giá bán 150.000 USD.
 Theo chuyên gia cấp cao tại Viện chính sách chiến lược Australia ở Canberra, ông Malcolm Davis, tàu lặn tự hành của Mỹ bị Trung Quốc chiếm đoạt là dòng máy bay hoạt động ở dưới nước phục vụ nghiên cứu hải dương học để vẽ bản đồ địa hình lòng biển và các điều kiện như nhiệt độ, độ mặn và sóng âm thanh. Cũng theo ông Davis, những thông tin này sẽ giúp Mỹ vẽ sơ đồ chiến thuật lòng biển nơi hoạt động của các tàu ngầm và bí mật của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc cũng sẽ dần bị hé lộ.
(theo: Minh Thu - tin tuc)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top