Ông Nguyễn Tấn Đời và người đẹp
Thẩm Thúy Hằng
Thập niên 1960 - 1970 là khoảng thời gian phát triển rầm rộ của hệ thống ngân hàng miền Nam. Tại Sài Gòn có tất cả 27 ngân hàng tư nhân hoạt động. Trong số 27 ngân hàng tư nhân đó có 14 ngân hàng của người Việt Nam, 3 ngân hàng của người Pháp, 3 của Hoa kiều Chợ Lớn, 2 của Anh, 2 của Mỹ, 1 của Hàn Quốc, 1 của Nhật Bản và 1 của Thái Lan.
  Vượt lên trên tất cả về quy mô, chiến lược kinh doanh và uy tín thương hiệu là Ngân hàng Tín Nghĩa do Nguyễn Tấn Đời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
  Ông chủ nhà băng… bất đắc dĩ
  Năm 1965, một số thương gia miền Nam đứng ra xin phép thành lập một ngân hàng tư nhân lấy tên là Tín Nghĩa để cạnh tranh với một số ngân hàng nước ngoài đóng tại Sài Gòn. Gom góp khắp nơi nhưng số tiền dự trữ tối thiểu theo quy định không đủ, họ đến thuyết phục Nguyễn Tấn Đời mua số cổ phần còn lại.
  Không hiểu biết gì về ngành ngân hàng, cũng không có ý định làm ăn trong lĩnh vực này, nhưng Nguyễn Tấn Đời vẫn đồng ý, xem như góp vốn "cho vui". Gọi là "cho vui" nhưng ông góp đến 1/5, tức 40/200 triệu, trong khi các cổ đông còn lại người góp nhiều nhất cũng chỉ đến 500 ngàn.
  Đến giữa năm 1966, Ngân hàng Tín Nghĩa có nguy cơ phá sản vì các quản trị viên vay mượn tiền dự trữ nhưng không có khả năng chi trả. Để tìm một giải pháp êm đẹp, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa bàn bạc riêng với Nguyễn Tấn Đời, khuyên ông nên mua lại các cổ phần để trở thành đa số tuyệt đối; Ngân hàng Quốc gia sẽ cho vay một số tiền để cứu nguy Ngân hàng Tín Nghĩa. Nguyễn Tấn Đời một mực từ chối vì ông không muốn dính thêm rắc rối vào lĩnh vực này.
  Thống đốc Ngân hàng quốc gia cho biết nếu Nguyễn Tấn Đời không đồng ý thì số cổ phần sẽ bị mất trắng nếu Ngân hàng Tín Nghĩa sụp đổ. Tuy sự cố không phải do Nguyễn Tấn Đời gây ra nhưng do ông là quản trị viên, không kiểm soát những hoạt động sai trái nên phải chịu một phần lớn trách nhiệm.
  Nguyễn Tấn Đời liền tìm đến người bạn thân là luật sư Lê Văn Mão cầu cứu, nhờ tìm cho ông một lối thoát để rút lui nhưng không được. Cuối cùng ông đành bất đắc dĩ nhận lời.
Trụ sở Ngân hàng Tín Nghĩa tại Sài Gòn.
  Theo điều kiện bắt buộc của Ngân hàng Quốc gia, Nguyễn Tấn Đời phải mua 3/5 trị giá thật sự của Ngân hàng Tín Nghĩa để cụ thể hóa địa vị cổ đông có cổ phần nhiều nhất. Ngoài ra ông còn phải đóng đủ tiền mặt 100 triệu để hội đủ số tiền dự trữ tối thiểu, sau đó Ngân hàng Quốc gia sẽ hỗ trợ kỹ thuật và cho vay 100 triệu để Ngân hàng Tín Nghĩa được tái hoạt động.
  Phái đoàn hỗ trợ kỹ thuật gồm 3 người, đứng đầu là ông Dương Hoàng Doanh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương Tín. Họ đến để hỗ trợ tất cả các mặt về nghiệp vụ ngân hàng, giúp Nguyễn Tấn Đời nhanh chóng ổn định tình hình.
  Năm 1968, Nguyễn Tấn Đời đi Canada tìm nơi gửi các con ăn học, nhân dịp này ông cất công tìm kiếm và học hỏi kinh nghiệm của các ngân hàng ở đây. Qua đó, ông phát hiện ra chính nhóm hỗ trợ kỹ thuật làm mất quyền lợi của Ngân hàng Tín Nghĩa. Ông lập tức yêu cầu Ngân hàng Quốc gia hủy bỏ khế ước trước hạn định, rút nhóm hỗ trợ kỹ thuật về.
  Qua điều tra, mặc dù kết quả nhóm hỗ trợ kỹ thuật có gây ra những vi phạm đáng kể nhưng Ngân hàng Quốc gia không chuẩn y yêu cầu của Nguyễn Tấn Đời. Họ chỉ chấp thuận theo các điều kiện rất bó buộc, và cương quyết không tái gia hạn số tiền vay 100 triệu nếu nhóm hỗ trợ kỹ thuật rời khỏi Ngân hàng Tín Nghĩa. Lý do đơn giản là Nguyễn Tấn Đời là người không bằng cấp, không kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, nên ông phải thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Quốc gia.
  Không chấp nhận thua thiệt, Nguyễn Tấn Đời quyết định trả số tiền 100 triệu cho Ngân hàng Quốc gia để nhóm hỗ trợ kỹ thuật rút khỏi Tín Nghĩa. Và với số vốn tuyệt đối như thế, Nguyễn Tấn Đời chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Tín Nghĩa.
  Đây là một sự phá lệ đặc biệt của Ngân hàng Quốc gia, vì lâu nay có lệnh cấm Chủ tịch Hội đồng quản trị không được giữ chức Tổng giám đốc. Điều kiện kèm theo là Nguyễn Tấn Đời phải tuyển một người có chuyên môn làm giám đốc kỹ thuật phụ trách về nghiệp vụ. Nguyễn Tấn Đời đã chọn Hứa Xiều, một người trước đây từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia. Và chính nhân vật này đã giúp ông rất nhiều trong việc tổ chức lại hệ thống Ngân hàng Tín Nghĩa.
  Những cải tổ gây chấn động
  Khi nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa mời Nguyễn Tấn Đời đến họp lần đầu tiên. Tại cuộc họp, họ sắp xếp Nguyễn Tấn Đời phải ngồi ở ghế cuối cùng, cách một khoảng trống xa với những người khác, ngụ ý của họ là không muốn ngồi chung với ông…
Ông Nguyễn Tấn Đời (ngoài cùng bên trái) trong buổi dự lễ khánh thành xưởng ráp máy thu thanh và truyền hình tại Thủ Đức.
  Không dừng lại ở đó, những người này còn loan truyền tạo ra dư luận những tin đồn kinh khủng: "Tín Nghĩa Ngân hàng sắp phá sản, gửi tiền vào sẽ không rút ra được. Nguyễn Tấn Đời là người điều khiển mà không biết nghề, ông chỉ là thằng chăn trâu mới học được chữ ký, làm giàu nhờ lúc chiến tranh lượm được một thùng vàng của người ta chôn giấu. Việc mua lại Ngân hàng Tín Nghĩa chỉ là thể hiện cái ngông của kẻ trọc phú mà thôi".
  Đứng trước sự khinh khi đó, cộng với mặc cảm về sự ít học của mình, Nguyễn Tấn Đời như bừng tỉnh. Ông nung nấu một ý chí phấn đấu tột độ, quyết tâm phải tạo ra một lối đi riêng để khiến họ phải tâm phục khẩu phục. Theo đó, ông đã tung ra những cải tổ gây chấn động, đưa Ngân hàng Tín Nghĩa bước lên dẫn đầu các hệ thống ngân hàng tư nhân tại Sài Gòn
  Đầu tiên, Nguyễn Tấn Đời cho mời tất cả khách hàng nhỏ đến và tổ chức tiếp đón niềm nở tại nhà riêng ở 121 Yên Đổ. Những người này lâu nay bị bỏ quên nên không bao giờ được ngân hàng để ý đến. Nay được tiếp đón trọng thị và được cam đoan sự chắc chắn trong việc bỏ lệ phí mở trương mục và phát hành chi phiếu.
  Họ bằng lòng mở trương mục và phát hành chi phiếu để gửi tiền rồi ký chi phiếu trả tiền cho các khách hàng lớn, như vậy họ không lo sợ sẽ không rút tiền được khi Ngân hàng Tín Nghĩa phá sản bất ngờ. Người này làm được liền giới thiệu người khác, cứ như thế tiếng đồn lan nhanh rằng Ngân hàng Tín Nghĩa rất tử tế, tiếp đãi ân cần mà lại không tốn chi phí như các ngân hàng khác.
  Uy tín Ngân hàng Tín Nghĩa ngày một thêm tăng, chi phiếu giao hoán ngày càng nhiều. Và điều tất nhiên là khách hàng nhỏ luôn nhiều hơn khách hàng lớn, vì vậy không bao lâu chi phiếu của Ngân hàng Tín Nghĩa tràn ngập phòng giao hoán.
  Tiếp đến, Nguyễn Tấn Đời mời khách hàng lớn là các thương gia đến nhà riêng và cũng tiếp đón rất trọng thị. Ông thuyết phục: phần đông khách hàng nhỏ đều mở trương mục trong Tín Nghĩa nên ông sẽ dư sức trả chi phiếu Tín Nghĩa cho các thương gia lớn. Đặc biệt, nếu gửi tiền vào các ngân hàng khác, phải mất 24 hoặc 48 tiếng đồng hồ sau, ở các tỉnh thì phải cả tuần hoặc chờ đến khi nào ngân hàng nhận được tiền thì mới cho vào trương mục.
  Thời gian đồng tiền chuyển đi sẽ không được tính lãi. Còn với Ngân hàng Tín Nghĩa, chi phiếu sẽ có giá trị ngay trong ngày. Lời thuyết phục rất hợp lý, ban đầu những thương gia lớn thử gửi tạm tiền vào Tín Nghĩa, sau một thời gian họ gửi hẳn như các khách hàng nhỏ. Dần dần Ngân hàng Tín Nghĩa thu hút rất nhiều khách hàng, tạo ra một uy tín rất lớn trong dân chúng.
  Cuối năm 1968, Nguyễn Tấn Đời tung ra nhiều biện pháp cực kỳ mới làm cho Hiệp hội Ngân hàng phải "xốn mắt". Ông cho quảng cáo rầm rộ: đăng trên báo chí, phát hành lịch, tranh ảnh và áp phích khắp nơi. Đặc biệt, tất cả khách hàng đều được tặng một đĩa hát "Của Hồi Môn" gồm những bài dân ca nổi tiếng do những ca sĩ tên tuổi thời bấy giờ trình bày. Ngoài ra, mỗi khách hàng mới sẽ được tặng một món quà tương xứng tùy theo số tiền gửi. Ngân hàng còn tổ chức xổ số theo định kỳ, phần thưởng rất giá trị gồm tivi, cassette, máy may, xe máy, thậm chí là xe hơi.
  Và một điều rất mới mẻ chưa ai nghĩ đến là sử dụng logo cho ngân hàng. Nguyễn Tấn Đời cho thiết kế logo là hình ảnh ông Thần tài cầm hai xâu tiền, tượng trưng cho sự giàu sang phú quý. Ông cũng cải tổ hoàn toàn về mặt hành chính, quy định nhân viên phải mặc đồng phục có logo Ngân hàng Tín Nghĩa; phải tuyệt đối lịch sự, nhã nhặn khi tiếp khách hàng, bất kể khách gửi tiền hay rút tiền; loại bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết làm mất thời gian cho cả nhân viên và khách hàng. Ông tuyển nhân viên giao dịch rất đông, nhiều hơn đến 30% so với các ngân hàng khác.
  Một phương thức rất táo bạo nữa là Nguyễn Tấn Đời cho mở rất nhiều chi nhánh trên một hệ thống rất rộng rãi. Thời bấy giờ các ngân hàng ở miền Nam không cần thiết có chi nhánh nào cả, nhưng Nguyễn Tấn Đời cho rằng cần phải mở chi nhánh ở vùng cư ngụ của những tiểu thương và giới trung lưu. Nhờ đó những người này không sợ rủi ro khi phải di chuyển trên đường dài để đến trụ sở ngân hàng trung tâm ở Sài Gòn. Và đặc biệt, tiền gửi tiết kiệm được rút ra bất cứ tại chi nhánh nào chứ không chỉ ở trụ sở trung tâm như các ngân hàng khác.
  Năm 1967, Ngân hàng Tín Nghĩa chỉ có 2 văn phòng ở Sài Gòn với gần 100 nhân viên, thì năm 1972 có đến 32 chi nhánh với gần 1.000 nhân viên. Số tiền gửi tính đến cuối năm 1972 lên đến con số 2 tỷ, đưa Tín Nghĩa Ngân hàng trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất miền Nam.
  Những nỗ lực về cách thức đổi mới của Nguyễn Tấn Đời khiến Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa lên án và chỉ trích thậm tệ. Đối với những chủ ngân hàng luôn tự hào về địa vị cao sang của mình thì những phương pháp của Nguyễn Tấn Đời là không chính đáng và… bỉ ổi. Họ đưa ra một bản khiếu nại yêu cầu phải được làm rõ. Dưới sức ép ngày càng lớn, Ngân hàng Quốc gia đã vào cuộc, và mọi việc được giải quyết êm đẹp. Những cải tổ của Nguyễn Tấn Đời đều hợp lệ và ông vẫn là một "ông vua" không có đối thủ.
  Mặc dù bị phản đối quyết liệt, khen chê không ít, Nguyễn Tấn Đời vẫn quyết tâm thực hiện những cải tổ của mình. Ông thay đổi toàn bộ hệ thống cập nhật kế toán bằng máy NCR nhập từ Canada, phát hành thẻ tín dụng, mở màn cho một thời kỳ mới cho giới ngân hàng ở miền Nam lúc bấy giờ.
  Ông được giới thương gia hoan nghênh chấp nhận nhưng Hiệp hội lại kiện cáo. Ngân hàng Quốc gia lại vào cuộc, tiến hành nghiên cứu về vấn đề có thể xảy ra giữa việc du nhập thẻ tín dụng với nền kinh tế tổng quát và sự bình quân của các ngân hàng ở miền Nam trước khi quyết định cho Tín Nghĩa Ngân hàng phát hành.
  Mọi công việc đang quyết liệt, căng thẳng, bất ngờ ngày 21 - 4 - 1973, Nguyễn Tấn Đời bị bắt giam, hệ thống Tín Nghĩa Ngân hàng bị phong tỏa và đánh sập. Và người ra lệnh này là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
  Tin này làm chấn động cả miền Nam, từ giới bình dân cho đến những tướng tá, quan chức trong chính quyền. Dư luận xôn xao: Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bắt giam Nguyễn Tấn Đời vì lý do gì? Vì sự ghen tức tư thù cá nhân hay có sự nhúng tay của CIA?
Duy Tường - antg.cand

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top