Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Đời (đứng giữa) tại buổi khánh thành nhà hàng Kobe ở Canada |
Sau năm 1975, ông làm đơn kiện ngân hàng Thụy Sĩ. Cuộc kiện tụng kéo dài 20 năm, đến khi ông qua đời năm 1995 tại Mỹ, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Nhiều nguồn tin cho rằng không phải Nguyễn Văn Thiệu nẫng tay trên số tiền đó mà đứng đằng sau là CIA. Tuy nhiên đó chỉ là tin đồn, cho đến nay sự việc vẫn còn là một bí ẩn.
Cuộc đối mặt với Giám đốc Cảnh sát Đô thành
Khi ra lệnh bắt Nguyễn Tấn Đời, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu làm như đây là một cuộc đảo chính kinh tế, nhưng trong cuộc thẩm vấn, Trang Sỹ Tấn lại dồn Nguyễn Tấn Đời vào những câu hỏi hoàn toàn mang hơi hướng chính trị.
Câu hỏi đầu tiên, Trang Sỹ Tấn cáo buộc Nguyễn Tấn Đời vào tội liên lạc với tướng Dương Văn Minh. Chứng cứ là ông và Dương Văn Minh hay đánh chung quần vợt!? Thì ra khi sắp diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống VNCH nhiệm kỳ 2 (1971), người ta đồn đại là tướng Dương Văn Minh với tỷ phú Nguyễn Tấn Đời sẽ đứng chung liên danh ra tranh cử chức tổng thống và phó tổng thống.
Tin đồn này đã làm cho Nguyễn Văn Thiệu điên đầu, phải tìm cách đối phó. Lời đồn ác nghiệt trên chưa qua, thì có người lại phao tin: Có lẽ Mỹ sẽ chọn Nguyễn Tấn Đời làm Tổng thống để thay Nguyễn Văn Thiệu, vì Thiệu không thể vực miền Nam trở nên giàu có ấm no được. Người Mỹ muốn chế độ dân sự, Nguyễn Tấn Đời đã được chọn?
Tiếp theo Trang Sỹ Tấn đổ tội cho Nguyễn Tấn Đời thường xuyên liên lạc với Trần Văn Hương và cung cấp tiền bạc cho Nguyễn Cao Kỳ.
Mối quan hệ với ba nhân vật chính trị kể trên, Nguyễn Tấn Đời đều trả lời rành rọt rằng do Nguyễn Văn Thiệu quá đa nghi, ông không hề có một sự dính líu chính trị nào cả. Riêng chuyện cung cấp tiền bạc cho tướng Kỳ càng hoàn toàn không có cơ sở. Không bắt bẻ được gì, Trang Sỹ Tấn quay sang yêu cầu Nguyễn Tấn Đời nêu tên đích danh các tướng lãnh và số tiền họ gửi vào Ngân hàng Tín Nghĩa. Nguyễn Tấn Đời trả lời rằng đây là bí mật nghề nghiệp và cũng là quy định bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng, ông không trả lời được.
Trang Sĩ Tấn lại quay sang chất vấn việc một nhân viên dưới quyền Nguyễn Tấn Đời là Cộng sản, và quân đội VNCH khi hành quân đã bắt được trong mật khu toàn là tiền của Ngân hàng Tín Nghĩa. Nguyễn Tấn Đời thẳng thừng rằng, cáo buộc nhân viên của ông là cộng sản là áp đặt, không có chứng cứ.
Vấn đề thứ hai thì ngân hàng của ông không bao giờ có quyền in ra tiền. Chỉ có Ngân hàng Quốc gia mới có quyền hạn này. Trên mỗi cọc tiền phát ra có miếng giấy bao quanh, trên miếng giấy đó có nhãn hiệu Ngân hàng Tín Nghĩa, mỗi ngày có cả chục ngàn người lấy tiền ra, có cả những người của Nguyễn Văn Thiệu, những người mang tiền đó tiêu xài vào việc gì là chuyện của họ, không thể can dự gì đến ông.
Không gán cho Nguyễn Tấn Đời được tội gì, cũng không biết hỏi gì thêm, Trang Sỹ Tấn phán một câu xanh rờn: “Tôi chỉ làm theo lệnh thượng cấp, vua muốn hại anh!”.
Mất trắng
Đúng như lời phán của Trang Sỹ Tấn, không có bằng chứng gì nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn ra lệnh tống giam Nguyễn Tấn Đời vào khám Chí Hòa. Ông bị giam chung với đám tù hình sự nên bị bọn này thi nhau hành hạ. Chúng bắt ông phải viết thư gửi về bảo người nhà tiếp tế lương thực đầy đủ thứ ngon vật lạ để cùng ăn chung. Rồi còn phải gửi tiền vào để đưa cho bọn chúng tiêu xài. Còn vợ ông, sau khi bị tịch thu hết tư trang, vàng bạc và một số tiền mặt, Trang Sỹ Tấn ký giấy tạm tha để chờ điều tra thêm.
Một thời gian sau, Nguyễn Tấn Đời bị chuyển xuống giam trong một phòng ngục tối có đến tám cảnh sát canh chừng, không một ai được tiếp xúc. Bên ngoài, tay chân Nguyễn Văn Thiệu ngày đêm điện thoại gây áp lực và hăm dọa buộc cha mẹ ông lúc này đã 70 tuổi phải có số tiền 100 triệu để chuộc mạng con, nếu không ông sẽ bị thủ tiêu. Rồi một người tự xưng là Nguyễn Dâu, đại diện cho Nguyễn Văn Ngân – Phụ tá chính trị của Tổng thống Thiệu trực tiếp đến nhà để thương lượng.
Tuy nhiên lúc này toàn bộ gia sản đã bị tịch thu, gia đình Nguyễn Tấn Đời không thể tìm đâu ra số tiền 100 triệu. Sau nhiều lần gặp gỡ, biết chắc gia đình Nguyễn Tấn Đời thật sự không có tiền mặt, tay chân Nguyễn Văn Thiệu đề nghị cha Nguyễn Tấn Đời thuyết phục ông ký 10 tờ bạch khế tại ngân hàng Thụy Sĩ để trao cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dùng làm tiền gây quỹ. Như vậy mạng sống của ông mới mong được bảo đảm.
Sau khi thương lượng, cha mẹ Nguyễn Tấn Đời được cấp một giấy phép đặc biệt để vào thăm con. Thương cha mẹ già yếu lại bị tay chân Nguyễn Văn Thiệu đe dọa hằng ngày và cũng biết Nguyễn Văn Thiệu sẽ không buông tha, Nguyễn Tấn Đời đành phải chấp nhận lời đề nghị. Tất nhiên, vốn là người rất cẩn thận, ông đã tính toán rất kỹ trước khi quyết định ký. Ông tin chắc rằng chữ ký của mình không thể đủ sự đảm bảo để ngân hàng Thụy Sĩ chi tiền được vì 2 lý do sau:
Thứ nhất, tài khoản của ông ở Geneve là tài khoản có số mà không có tên, và điều tất nhiên là Ngân hàng Suisse Thụy Sĩ tuyệt đối giữ bí mật cho thân chủ, nên ông tin họ không thể tìm ra được.
Thứ hai, nếu Nguyễn Văn Thiệu dùng 10 tờ bạch khế lấy tiền của ông, sau này được tự do, ông sẽ có cách chứng minh để lấy lại được, vì Ngân hàng Tín Nghĩa luôn luôn cập nhật hóa ngày tháng tất cả trương mục, số tiền này là tiền riêng của ông mà phần lớn ông bán đôla tồn trữ, thời kỳ ông làm ăn về chuyển ngân giai đoạn 1950-1955.
Cũng vì muốn có bằng chứng sau này, Nguyễn Tấn Đời yêu cầu được trao 10 tờ bạch khế cho một người tin cậy do gia đình ông chọn và phải chính người đại diện của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận. Và việc giao nhận đã diễn ra giữa luật sư Huỳnh Trung Chánh (đại diện cho Nguyễn Văn Thiệu) và bác sĩ - dân biểu Mã Xái (đại diện gia đình ông). Sở dĩ Nguyễn Tấn Đời tin cậy Huỳnh Trung Chánh vì trong quá khứ ông này nổi tiếng trong sạch khi còn ngồi ở ghế chánh án tỉnh Rạch Giá.
Nhưng mọi sự tính toán của Nguyễn Tấn Đời đều đi sai nước cờ. Số tiền gần 1 tỷ ông gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ bị rút sạch. Sau năm 1975, ông làm đơn kiện ngân hàng Thụy Sĩ. Cuộc kiện tụng kéo dài 20 năm, đến khi ông qua đời năm 1995, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Nhiều nguồn tin cho rằng không phải Nguyễn Văn Thiệu nẫng tay trên số tiền đó mà đứng đằng sau là CIA. Tuy nhiên đó chỉ là tin đồn, cho đến nay sự việc vẫn còn là một bí ẩn.
Được trả tự do
Ngày 21-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu được người Mỹ hộ tống cho việc đào thoát khỏi miền Nam Việt Nam. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay. Đến ngày 28-4-1975, tướng Dương Văn Minh đắc cử Tổng thống VNCH.
Sáng 28-4-1975, viên trung tá tên Tuệ đến trại giam Chí Hòa nhận chức thay tên phó quản đốc vừa đào tẩu ra nước ngoài. Lúc này Nguyễn Tấn Đời cùng các tướng lãnh vẫn đang bị giam tại đây. Vì là chỗ quen biết nên Nguyễn Tấn Đời viết một bức thư khiếu nại, nhờ trung tá Tuệ mang đến giao tận tay tướng Dương Văn Minh.
Nhận được thư, tướng Minh rất ngạc nhiên khi Nguyễn Tấn Đời vẫn còn bị giam giữ trong khi trước đó Trần Văn Hương đã ký lệnh trả tự do cho 26 nạn nhân của Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có Nguyễn Tấn Đời. Tướng Minh lập tức cho gọi trung tá tùy viên Trương Minh Đẩu ra lệnh phải cho điều tra ngay tại sao họ không thi hành lệnh của cựu Tổng thống Trần Văn Hương.
Trương Minh Đẩu trả lời vì Tổng trấn Sài Gòn, tướng Nguyễn Văn Minh đã ra lệnh thiết quân 24/24, nên không thể thi hành lệnh đó được, theo thủ tục hành chính và tư pháp. Dương Văn Minh ra lệnh cho thi hành cấp tốc lệnh phóng thích những nạn nhân của Nguyễn Văn Thiệu đang còn bị giam giữ.
Sáng ngày 29-4-1975 lệnh phóng thích được thi hành, Nguyễn Tấn Đời được trả tự do.
Làm giàu ở ngoại quốc
Được tự do nhưng mọi quyền hành đều mất hết, tài sản bị tịch thu, Nguyễn Tấn Đời từ một tỷ phú trở nên trắng tay. Ông lang thang về nhà tìm vợ nhưng không gặp. Thì ra trước đó vợ ông đã sang Canada sum họp cùng con cái. Chạy vạy khắp nơi, cuối cùng ông cũng mượn được một số tiền để tìm đường ra ngoại quốc. Nhưng tất cả số tiền ấy bị những kẻ tổ chức vượt biên lừa gạt lấy sạch, ông bị trôi dạt đến Song Kla, Thái Lan.
Nhà hàng Kobe của ông Nguyễn Tấn Đời tại Florida, Mỹ |
Tại Canada, lịch sử đã lặp lại. Không chút vốn liếng, ông năn nỉ đứa con gái bán chiếc vòng cẩm thạch để ông làm vốn kinh doanh nhỏ để kiếm sống qua ngày. Một lần dạo phố, ông vô tình gặp chủ một công ty người Nhật. Đó là ông Sato, một người bạn làm ăn với ông khi còn ở Sài Gòn. Biết được hoàn cảnh khó khăn của Nguyễn Tấn Đời, ông Sato đã đứng ra giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Từ một nhà hàng, dần dần Nguyễn Tấn Đời phát triển thành một hệ thống, thành công ngoài sự mong đợi.
Sau sự thành công của hệ thống nhà hàng Kobe tại Canada, năm 1980 Nguyễn Tấn Đời đầu tư mở thêm hàng loạt chi nhánh tại tại Mỹ như Washington.DC, Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii, Floriada… Tên tuổi Nguyễn Tấn Đời một lần nữa lại nổi như cồn.
Trở thành tỷ phú nơi đất khách, Nguyễn Tấn Đời dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề trước kia như mở ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất… với một tham vọng rất lớn là sẽ trở lại “ngôi vua” thời trước. Nhưng mọi kế hoạch đang tính toán dở dang thì ông lâm bệnh và từ trần vào ngày 6-7-1995 tại Orlando, Floria (Mỹ).
Trước khi qua đời, Nguyễn Tấn Đời đã để lại cuốn hồi ký, trong đó ông cho biết có cảm tưởng như ông đã hoàn thành được một cuốn phim trung thực về cuộc đời mình, từ lúc hàn vi nhiều cơ cực, đến khi thành công tột đỉnh. “Trên đường đời tôi đã gặp nhiều kẻ tiểu nhân tìm cách hãm hại bằng mọi cách hèn hạ và đê tiện. Tôi cũng gặp rất nhiều bậc quân tử, nhiều đấng quý nhân đã giúp tôi thành công, cứu tôi thoát chết”. Nhưng dù là tiểu nhân hay quân tử, Nguyễn Tấn Đời bảo rằng tất cả đều là ân nhân của ông, vì tất cả đã nung nấu ý chí cho ông, thúc đẩy ông đi đến thành công và mở đường cho ông tiến thủ…
Cuối cùng, Nguyễn Tấn Đời tâm niệm: Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng.
Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho. Đồ chứa tốt, lớn chính là đức độ, khả năng làm việc, sự tìm tòi, học hỏi, sự kiên nhẫn về tổ chức và nhất là nhạy cảm, linh hoạt, sáng kiến, biết quan sát tìm hiểu để đúc kết kinh nghiệm cho sự thành công.
Duy Tường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét