Các nhà sư đụng độ với binh sĩ Thái Lan - Ảnh: Reuters
Hơn 1.000 nhà sư Thái Lan và tín đồ đã biểu tình kêu gọi tự do tôn giáo, dẫn đến cuộc ẩu đả với 150 binh sĩ được điều động.
  Thái Lan là đất nước của Phật giáo, vì vậy, ai sẽ trở thành Đức Tăng Thống thứ 20 lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Thái Lan đang là vấn đề nóng gây nhiều mâu thuẫn hiện nay.
  Chiều 15.2, nhóm “Liên minh tăng lữ và phật tử Thái Lan” (SBAT) gồm khoảng 950 nhà sư và 200 người ủng hộ từ Bangkok và các tỉnh lân cận đã tụ tập tại công viên Phật giáo Phutthamonthon (tỉnh Nakhon Pathom) kêu gọi lập tức bổ nhiệm hòa thượng Somdet Chuang vào vị trí lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Thái Lan.
  Khoảng 150 binh lính được điều đến để chặn không cho bất kỳ xe nào vào công viên Phật giáo. Xô xát đã xảy ra khi các nhà sư cố gắng đẩy xe tải của lính ra khỏi khu vực. Hai giờ sau, binh lính tiếp tục dùng xe tải để chặn lối vào khác. Ẩu đả lại nổ ra khi một nhà sư khóa cổ một người lính. May mắn không có ai bị thương.
  Sự việc căng thẳng đến mức Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan phải xuất hiện can thiệp. Biểu tình chỉ kết thúc sau khi người dẫn đầu nhóm biểu tình là Phra Methee Dhammacharn, Tổng thư ký Trung tâm bảo vệ Phật giáo Thái Lan, được hộ tống đến văn phòng chính phủ để nói chuyện với tướng Prawit.
  Sau cuộc nói chuyện, ông Phra Methee cho biết chính phủ đồng ý sẽ báo cáo với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha về vụ việc sau khi ông trở về từ hội nghị đang diễn ra tại Mỹ. “Chúng tôi sẽ cho chính phủ thời gian. Tuy nhiên, nếu yêu cầu không được đáp ứng chúng tôi sẽ trở lại”, ông nói.
  Theo Bangkok Post ngày 16.2, Phó thủ tướng Prawit đã từ chối yêu cầu nhanh chóng đưa ra thông báo về các ứng cử viên cho vị trí Đức Tăng Thống. Về yêu cầu đề cử nhà sư Somdet Chuang cho vị trí này, tướng Prawit cũng cho biết không ai dám đưa các vấn đề vẫn còn tranh cãi cho đức vua phê duyệt. Chính phủ Thái Lan vốn trì hoãn việc đề cử nhà sư Somdet Chuang vì họ vẫn đang tiến hành điều tra về nghi án trốn thuế của vị hòa thượng này. “Thủ tướng phải xem xét tất cả các góc độ của vấn đề. Nếu việc bổ nhiệm có sai lầm thì vô phương cứu vãn”, ông nói.
  Đối với lời đe dọa của giới tăng lữ sẽ tiếp tục tụ tập biểu tình nếu chính phủ không đáp ứng các yêu cầu đặt ra, tướng Prawit cho biết đại diện các nhà sư không đề cập chuyện này trong buổi gặp mặt. Tuy nhiên, ông tin rằng các nhà sư đều là người có học nên vấn đề sẽ được kết thúc tốt đẹp. Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Koomchaya cũng cảnh báo bất cứ ai phạm luật, dù là nhà sư hay cư sĩ đều phải đối mặt với pháp luật.
  5 yêu cầu của giới tăng lữ
- Phật giáo phải được tuyên bố là quốc giáo chính thức trong hiến pháp mới.
- Các cơ quan chính phủ không được can thiệp vào các vấn đề liên quan đến nội bộ giáo hội.
- Chính phủ phải tham khảo và được sự đồng ý của Hội đồng tăng đoàn tối cao (SSC) trước khi có bất cứ hành động nào liên quan đến giáo hội.
- Tôn trọng, không được sử dụng bất cứ hình thức đe dọa nào đối với các tăng sĩ.
- Đề cử nhà sư Somdet Chuang (90 tuổi, trụ trì chùa Paknam Phasi Charoen, hiện là Chủ tịch SSC) đến vua Thái để được sắc phong của hoàng gia cho vị trí lãnh đạo giáo hội mới.
(Theo ThanhNien)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top