Quận tài chính Phố Đông ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Ảnh: AFP
Số liệu đầu tư, sản lượng nhà máy và bán lẻ vào tháng 4 của Trung Quốc đều tăng chậm hơn dự báo, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu kinh tế nước này đã thực sự ổn định hay chưa.
  Theo Reuters, Cục Thống kê Trung Quốc cho hay tăng trưởng trong sản lượng nhà máy là 6% hồi tháng 4, thấp hơn so với mức 6,5% được giới phân tích dự báo lẫn mức 6,8% của tháng 3. Tăng trưởng trong đầu tư tài sản cố định từ tháng 1 đến tháng 4 thì giảm xuống còn 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng thấp hơn so với mức 10,9% được kỳ vọng.
  Đầu tư cố định của các doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục chậm cho thấy giới doanh nghiệp này vẫn hoài nghi về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân từ tháng 1 đến tháng 4 chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 4 là 10,1%, thấp hơn so với mức dự báo là 10,5%.
  Dữ liệu kinh tế hồi tháng 3 từng làm dấy lên hi vọng rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang lấy lại đà đi lên sau hơn một năm chính phủ nước này áp dụng các biện pháp kích thích tài chính, tiền tệ và hành chính. Thị trường bất động sản phục hồi cũng thúc đẩy nhu cầu nguyên liệu, tạo ra động lực cho các ngành công nghiệp nặng vốn ốm yếu như thép.
  Song số liệu tháng 4 vừa được công bố, trong đó có cả số liệu nhập khẩu và xuất khẩu yếu hơn dự kiến, cùng hoạt động sản xuất kém tiếp tục nhấn mạnh sự suy yếu kéo dài của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Đại lục đang ở mức thấp nhất trong 25 năm qua, bị đè nặng bởi nhu cầu yếu ở trong và ngoài nước, sản lượng dư thừa cùng nợ chất cao.
  Chính phủ Trung Quốc đặt việc giảm dư thừa công suất là một trong những ưu tiên hàng đầu và cam kết sẽ không để các công ty “xác sống” tiếp tục vận hành. Dù vậy, giới chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng nước này sẽ hành động từ từ để tránh tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
(Thu Thảo: Báo Thanh Niên)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top