Dây tơ hồng (màu vàng). Ảnh: thuongmaitruongxua |
Tiến sĩ Võ Văn Chi có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về cây thuốc cho biết tơ hồng tên khoa học là Cuscuta chinensis Lam, thuộc họ tơ hồng Cuscutaceae. Đây là dạng dây leo quấn qua trái, không có diệp lục. Toàn thân cây dạng sợi to từ một đến 2 mm, màu vàng, bóng nhẵn có vòi hút, thường ký sinh trên một số cây bụi. Lá tiêu giảm thành vảy nhỏ. Hoa nhỏ, màu trắng, thường tụ thành nhóm từ 10 đến 12 chiếc, đài hoa dính hình lục lạc, cao 1,2 cm, 5 nhị, bầu có 2 vòi nhụy. Quả nhỏ, hình cầu, có từ 2 đến 4 hạt.
Tơ hồng thường ký sinh trên cúc tần và các loại cây bụi khác, phân bố phổ biến khắp Việt Nam. Ngoài ra còn có ở Afghanistan, Srilanka, Trung Quốc, Thái Lan. Đông y dùng toàn toàn cây và hạt để làm thuốc, thường gọi là thỏ ti tử. Loài này vị ngọt, đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt lợi thủy, lương huyết giải độc. Hạt có vị cay, ngọt, tính bình, tác dụng tư can, bổ thận, ích tinh, dưỡng can minh mục, ích tinh minh mục, thanh nhiệt lương huyết, tráng dương, chỉ tả.
Người ta thu hái cây vào mùa thu, phơi khô. Hạt thường được dùng trị lưng gối yếu mỏi, liệt lương, di tinh, đái đục, đầu váng mắt hoa, sức nhìn giảm sút, thai động. Dây tơ hồng còn trị mụn nhọt, sạm da mặt.
Phân tích dược lý cho thấy tơ hồng có cuscutosid A, B, cuscutamin. Hạt chứa agroclavin là một chất độc tác động vào trung tâm giao cảm. Hạt Tơ hồng có tác dụng hạ huyết áp, trợ tim.
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ dây tơ hồng như sau:
Đái tháo đường
Dùng thỏ ti tử 1 kg, mật ong 1lít. Ngâm thỏ ti tử trong rượu 10 ngày, vớt ra phơi khô, giã nát khi còn ẩm rồi sấy khô, nghiền thành bột. Cho thêm mật ong vào từ từ luyện thành viên to như hạt đậu đen. Mỗi lần dùng 50 viên, uống với nước nóng trước khi ăn cơm.
Lang ben (bạch điển phong)
50 g cây tơ hồng tươi xắt nhuyễn ngâm trong 100 ml rượu cồn 75 độ đủ 7 ngày. Khi dùng, lấy tăm bông nhúng vào thuốc bôi vào chỗ bệnh. Mỗi ngày bôi từ 2 đến 3 lần, dùng liên tiếp 30 ngày.
Hen suyễn
Dây tơ hồng sao, lá táo chua, mỗi vị 30 g, sắc uống.
Tiểu nước đục đỏ do thận hư yếu, tinh ít, huyết ráo, miệng khô, phiền nhiệt, đầu choáng váng, hồi hộp
Thỏ ti tử, mạch môn (bỏ lõi), mỗi vị 20 g, sắc uống.
(Trần Ngoan)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét