Hành còn gọi là hành hương, hành hoa. Ảnh: tuelinh. |
Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, cho biết hành còn có tên khác là hành hương, hành hoa. Tên khoa học là Allium fistulosum L. Cây thuộc họ hành Alliaceae.
Hành là dạng cây thảo sống nhiều năm, cao tới 50 cm, có thân hành nhỏ, trắng hay nâu, chỉ hơi phồng, rộng 0,7-1,5 cm. Lá màu xanh mốc, hình trụ rỗng, có ba cạnh ở dưới, dài đến 30 cm, có bẹ lá dài bằng 1/4 phiến. Cán hoa (trục mang cụm hoa) cao bằng lá. Cụm hoa hình đầu tròn, gồm nhiều hoa có cuống ngắn, bao hoa có các mảnh hình trái xoan nhọn màu trắng có sọc xanh, bầu xanh dợt, quả nang.
Đây là loài cây của vùng Đông Á với khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới, được trồng rộng rãi khắp nơi làm rau ăn hằng ngày. Nhân giống thông thường bằng cách tách bụi (củ). Cũng có thể trồng bằng hạt vào mùa xuân, thu, ra hoa vào mùa hè thu, có quả vào mùa thu đông. Thu hái quanh năm.
Hành phân bố phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước Bắc Á, châu Âu. Cây này có vị cay, tính ấm, tác dụng phát hán giải thử, tán hàn thông dương, giải độc tán kết. Hành được dùng ngoài trị bỏng, viêm mủ da, eczema, phát ban, làm các vết thương màu liền sẹo. Phân tích thành phần dược lý cho thấy củ hành chứa tinh dầu có sulfur thành phần chủ yếu là chất kháng sinh alliin. Ngoài ra còn có axit malic và các axit khác, galantine, chất allisulfit. Hạt chứa S-propennyl-1-eine sulfoxide. Hạt có tác dụng lợi tiêu hóa, chống thối, chống ung thư.
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc hay từ cây hành như sau:
Ung nhọt mụt độc, viêm da hóa mủ: Lấy 7-15 gốc hành rửa sạch, giã nát, trộn với 10-15 ml mật ong. Dùng để đắp ngoài chỗ đau, mỗi ngày thay một lần.
Âm nang sưng đau: Hành 20 gốc, muối ăn 5 g. Cùng giã nát như bùn, bôi ngoài chỗ đau.
Lở trĩ sưng đau: Hảnh cả rễ 20 gốc, sắc nước cho vào chậu, đợi cho ấm, ngồi vào ngâm.
(Trần Ngoan)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét