Lá lốt. Ảnh: meovatdoisong
Để chữa viêm xoang chảy nước mũi đặc, lấy lá lốt tươi, vò nát vắt nướt cốt nhỏ vào lỗ mũi. Bị đau răng, dùng lá này sắc nước đặc để ngậm.
  Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, lá lốt còn gọi là tất bát, tên khoa học là Piper lolot C. DC, thuộc họ hồ tiêu Piperaceae. Đây là loại cây thảo sống lâu, cao từ 30 đến 40 cm hoặc hơn, mọc bò. Thân phồng lên ở các mấu, mặt ngoài có nhiều đường rãnh dọc. Lá đơn, nguyên, mọc so le, hình tim, có 5 gân chính tỏa ra từ cuống lá, cuống có gốc bẹ ôm lấy thân. Cụm hoa dạng bông đơn mọc ở nách lá. Quả mọng chứa một hạt.
  Trong tự nhiên, lá lốt mọc dại ven rừng, ven suối, những chỗ ẩm, có bóng mát. Loài thực vật này cũng được trồng khắp cả nước từ Bắc chí Nam. Người Trung Quốc cũng trồng nhiều. Người ta dùng mấu thân, cắt thành từng khúc từ 20 đến 25 cm, giâm vào nơi ẩm ướt. Cây cho hoa vào tháng 4 đến tháng 5.
  Đông y sử dụng toàn cây này để làm thuốc, thu hái quanh năm, đem rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi nắng hay sấy khô để dành. Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, tác dụng ôn trung, tán hàn, hạ khí, chỉ thống. Người xưa đã biết dùng lá lốt trị phong hàn thấp, tay chân lạnh, tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, sình bụng, đau bụng tiêu chảy, thận và bàng quang lạnh, đau răng, đau đầu, chảy nước mũi hôi. Mỗi ngày dùng từ 6 đến 12 g trở lên, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
  Phân tích dược lý cho thấy lá, thân và rễ cây này chứa alcaloid và tinh dầu. Tinh dầu có thành phần chủ yếu là beta-caryophyllen. Rễ chứa tinh dầu thành phần chính là bornyl acetat.
  Lá lốt có tính kháng khuẩn đối với các vi khuẩn Bacillus pyocyaneus, Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis. Bên cạnh đó còn có tác dụng chống viêm, tác dụng gây giãn mạch ngoại biên và ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn ruột của histamin và acetylcholin, ức chế men colagenase trong ống nghiệm.
  Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc hay từ lá lốt như sau:
  Chữa phong thấp đau nhức xương
  Lá lốt 16 g, tầm gửi cây dâu 12 g, tục đoạn 12 g. Tất cả đem sắc với 250 ml nước còn 150 ml, chia 2 lần uống vào ban ngày và buổi tối trước khi ngủ.
  Tê thấp
  Rễ lá lốt, dây chài vôi, cỏ xước, hoàng lực, độc lực (rễ quýt rừng), hạt xích hoa xà, cây gối hạc, dùng lượng bằng nhau. Mỗi lần dùng lấy mỗi vị 12 g đem sắc uống.
  Tê thấp ,đau lưng, đau gấp ngang đầu gối, bàn chân tê buốt
  Lá lốt và ngải cứu liều lượng bằng nhau, giã nát, thêm giấm, đem chưng nóng lên để đắp. Để uống thì dùng từ 8 đến 12 g dây lá lốt, phối hợp với đây đau xương, rễ cỏ xước, củ cốt khí, mỗi vị 8 g, đem sắc uống.
  Đau nhức các khớp do phong thấp có sưng hoặc không sưng, đổ mồ hôi lòng bàn tay chân
  Rễ lá lốt (sao) 16 g, kê huyết đằng 20 g, thổ phục linh 20 g, rễ cỏ xước (sao) 16 g, thiên niên kiện 16 g, tùng tiết 8 g, bổ cốt toái 16 g, phòng kỷ 8 g, tang ký sinh 12 g, u chạc chìu 12 g. Tất cả đem sắc với 3 bát nước, còn một bát uống một lần. Mỗi ngày sắc một thang chia làm 3 đến 4 lần uống. Lưu ý trong thời gian uống phải kiêng ăn thịt gà, cá mè, cá chép.
  Chữa đau bụng, đau lưng, buồn nôn, nấc cụt
  Lá lốt tươi rửa sạch rồi nhai nuốt.
  Chữa viêm xoang chảy nước mũi đặc
  Lá lốt vò nát vắt vào lỗ mũi.
  Chữa đau răng
  Lá lốt sắc nước đặc để ngậm.
  Giải độc say nấm, rắn cắn
  Lá lốt tươi, phối hợp với lá khế, lá đậu ván trắng, mỗi vị 50 g. Tất cả giã nát, cho thêm nước rồi vắt lấy nước cốt để uống.
(Trần Ngoan)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top